Bên ngoài Đông Á Hoàng nữ

Châu Âu

Hai chị em Princess Louisa cùng Princess Caroline Matilda. Họ là con gái của Frederick, Thân vương xứ Wales, nên là cháu gái bên nội của Vua George II.

Cũng như trường hợp của danh xưng "Prince", danh xưng con gái cùng hậu duệ nữ giới của Vua chúa Châu Âu vốn không có từ mặc định. Cách gọi 「Princess」 mà hiện nay hay dùng đều có thể dịch là Hoàng nữ hoặc Vương nữ, có thể vừa là danh từ mang nghĩa chung chung "Con cháu Vua chúa", vừa là kính xưng (Courtesy title), lại vừa là tước hiệu truyền thừa (Hereditary title). Vào lúc "Princess" trở thành kính xưng, tức được để trước tên Thánh của người đó, thì nó được hiểu như một tôn tước biểu trưng hậu duệ trực hệ của Vua chúa hơn là một danh từ cụ thể. Cho nên kính xưng này luôn giữ nguyên "hình thái từ" mà không thay đổi thế hệ, dù người mang kính xưng này có thể là cháu nội cùng cháu cố của Quốc chủ.

Vào thời kỳ cổ đại như Hy Lạp cổ đại, con gái của Vua chỉ được gọi chung chung là 「"Con gái của Basileus"」 hoặc kiểu đại khái hơn là 「"Con gái của Vua (tên gọi)"」. Đi theo sự thoái trào của La Mã là sự nổi lên của các Vương quốc Châu Âu. Những dòng dõi từ lâu đời như Vương thất Anh, vốn dĩ cũng không có kính xưng địa vị nào cho các con gái của Vua ngoại trừ tước hiệu quý tộc mà người đó sở hữu. Tại vương triều Pháp và các vương triều Châu Âu khác, cũng không có kính xưng gì cụ thể như triều đình Anh, những Vương tử cùng Vương tôn của Quốc vương nước Pháp đều được gọi chung chung là Fils de France - tức "Người con nước Pháp". Xứ sở có dấu hiệu kính xưng dành cho thành viên Vua chúa là các quốc gia ở Bán đảo Iberia, khi họ sử dụng Infante cho các Vương tử cùng Vương tôn và 「Infanta」 dành cho Vương nữ cùng Vương nữ tôn. Từ này có gốc từ "Infant" mang nghĩa đứa con từ ngôn ngữ La Mã, được cho là ảnh hưởng từ cách gọi tại triều đình Pháp.

Kể từ khi nhà Hanover quy định triệt để, thì dần nhiều quốc gia Châu Âu bên cạnh tước hiệu cũng quy định kính xưng cho con cháu của mình. Và với sự phổ biến toàn cầu của tiếng Anh thì 「"Princess"」 cũng dần thành một đặc xưng chung khi nói đến "Con gái của Vua", điều này cũng ảnh hưởng qua cách dịch tài liệu tiếng Anh khi nghiên cứu các nền văn hóa khác trên thế giới. Sau thời kỳ Hanover, các con gái cùng cháu gái bên nội của Quốc chủ triều đình Anh đều có tiền tố "Princess" trước tên Thánh của mình, như em gái của Nữ vương Elizabeth IIPrincess Margaret, Bà Bá tước xứ Snowdon. Cháu gái bên nội của Quốc chủ cũng tiếp tục được kính xưng này như Princess Beatrice xứ York, thế nhưng các "Chắt gái của Quốc chủ" thì nguyên bản không được như Lady Davina Windsor cùng Lady Rose Windsor - hai cô con gái của Prince Richard, Công tước xứ Gloucester[Chú 10].

Vào năm 2012, Nữ vương Elizabeth II đã ra thông báo 「"Hậu duệ của con trai cả của Thân vương xứ Wales có thể duy trì tôn tước Prince (Princess)"」[43][44], điều đó khiến con gái của Prince William, Công tước xứ Cambridge, tức là Princess Charlotte, trở thành "Chắt gái Quốc chủ nước Anh" đầu tiên vẫn được giữ kính xưng Royal Highness cùng tôn xưng 「Princess」 như một con gái và cháu gái Quốc chủ. Trong trường hợp của Princess Charlotte, nếu dịch theo chuẩn vai vế "Chắt gái Quốc chủ nước Anh" trong thực tế thì phải là 「Vương tằng tôn nữ Charlotte」, hay thậm chí là theo kiểu gọi của triều Nguyễn, tức 「Tôn nữ Charlotte」. Tuy nhiên vì cách dịch rập khuôn và sai lầm về kính xưng "Princess" ở Việt Nam mà Princess Charlotte vẫn hay bị dịch thành ["Công chúa Charlotte"] - một cách dịch vừa không đúng ý nghĩa gốc mà còn sai về vai vế trong ngôn ngữ Hán Việt, rất dễ khiến Princess Charlotte bị nhầm thành con gái của Nữ vương Elizabeth II. Cách sử dụng chính xác là để nguyên kính xưng "Princess", tương tự "Infanta" của Tây Ban Nha, đây cũng là một kính xưng cho con cháu trực hệ Quốc chủ Tây Ban Nha nhưng mà không thay đổi hình thái của từ theo vai vế.

Một điều rắc rối khác về kính xưng 「"Princess"」 chính là kính xưng này cũng dùng để chỉ các người vợ của một vị 「"Prince"」, hoặc trở thành một tước hiệu quý tộc độc lập như Vương phi xứ Wales, tức 「Princess of Wales」 hay Vương phi xứ Monaco, tức 「Princess consort of Monaco」. Vì để tránh lẫn lộn, các "Princess" là vợ của một vị "Prince" có xuất thân vương thất, mà người đứng đầu mang tước vị 「"King / Queen"」, thì thông thường sẽ không có tiền tố 「"Princess"」 ở đằng trước, mà được gọi thẳng theo thể "nữ hóa" tước vị quý tộc của chồng mình. Nếu trong trường hợp vị "Prince" ấy không có tước hiệu quý tộc, thì người vợ sẽ được gọi theo tên của chồng. Nếu như "Prince" trở thành tước vị độc lập, bắt buộc phải gọi kèm theo tên lãnh địa mà tước vị ấy sở hữu. Cần lưu ấy rằng cách gọi này đôi khi dễ bị nhầm với bậc Tôn nữ của triều đình Anh, như Princess Charlotte cùng Princess Beatrice, họ đều phải kèm tên đất phong trong tước vị của người cha - tức là Cambridge và York - bởi vì đây là quy định xưng hô dành cho Công chúa Anh theo bậc cháu của Quốc chủ.

Trường hợp gọi theo tước hiệu quý tộc
  • Vợ của Prince William là Catherine Middleton, được gọi chính thức là 「Her Royal Highness The Duchess of Cambridge」, trong trường hợp cần cụ thể hơn thì được gọi theo tên Thánh kèm tước hiệu nữ hóa của chồng, tức là 「Catherine, Duchess of Cambridge」.
  • Vợ của Prince HarryMeghan Markle, được gọi chính thức là 「Her Royal Highness The Duchess of Sussex」, trong trường hợp cần cụ thể hơn thì được gọi theo tên Thánh kèm tước hiệu nữ hóa của chồng, tức là 「Meghan, Duchess of Sussex」. Từ đầu năm 2020, hai vợ chồng Sussex không được dùng kính xưng "Royal Highness" với tư cách là thành viên vương thất thay mặt Nữ vương, dù họ vẫn được giữ khi xưng hô chính thức.
Trường hợp gọi theo tên của chồngTrường hợp "Princess" là vợ của một Prince độc lập
  • Mẹ chồng của Catherine là Lady Diana trong thời gian còn hôn phối với Prince Charles cũng được gọi là 「Her Royal Highness The Princess of Wales」. Sau khi ly hôn, vì bà Diana đã sinh ra người kế vị nên vương thất vẫn giữ tước vị "Princess of Wales" của bà, nhưng lại bỏ đi 「Her Royal Highness」, một kính xưng biểu thị Diana thuộc vương thất. Do đó, Diana trở thành 「Diana, Princess of Wales」. Rất nhiều báo đài quốc tế gọi thẳng bà là "Princess Diana" khiến bà trông như một Vương nữ thuộc vương thất.
  • Vị cố Vương phi Grace Kelly, trong thời gian kết hôn với Rainier III, Thân vương xứ Monaco thì đã được gọi là 「Her Serene Highness The Princess of Monaco」. Đây là bởi vì tước vị "Prince" của Monaco lưu truyền độc lập, không phải trong hệ thống tước vị của một Vương quốc, họ chỉ dùng kính xưng Serene Highness. Cũng như Lady Diana, rất nhiều báo đài quốc tế gọi bà là "Princess Grace" hay "Princess Grace of Monaco", những cách gọi này không đúng bởi vì một Thân vương nữ của Monaco cũng gọi tương tự như vậy, nếu cả Vương phi cũng như vậy thì rất dễ nhầm lẫn. Con gái của Vương phi Grace là Princess Stéphanie chính là ví dụ cho chuyện này.
  • Con gái của Cố phi Grace Kelly là Caroline, Vương phi Hannover, sau khi kết hôn với Ernst, Thân vương xứ Hannover thì được xưng họ kính xưng "Royal Highness" truyền thống nhà Hannover nên có danh xưng chính thức 「Her Royal Highness The Princess of Hanover」. Trước đó khi còn giữ tư cách con gái của Thân vương Rainier III xứ Monaco, Caroline được gọi là 「Her Serene Highness Princess Caroline of Monaco」.

Có thể thấy những 「"Princess là vợ của Prince"」 trong cách gọi chính thức đều không được gọi tên riêng mà mình vốn cố, cho dù có thì cũng không có "Princes" đi trước tên Thánh. Những người vẫn được sử dụng "Princess" thông thường là do bản thân người đó sinh ra đã là con gái Quốc chủ, thế nhưng được sử dụng để gọi hay không còn tùy vào ý của Quốc chủ. Trường hợp này có Marina, Bà Công tước xứ Kent khi con trai bà cưới vợ. Lúc này bà đã là 「"Bà Công tước góa phụ của Prince George, Công tước xứ Kent"」, nhưng bà vẫn tiếp tục sử dụng tước xưng 「"The Duchess of Kent"」 dù chồng đã qua đời. Sau khi con trai bà cưới vợ, bà không thể xưng như vậy nữa, nhưng bà vẫn không muốn thêm thành tố biểu thị tình trạng góa phụ là "Dowager" vào tước hiệu của mình, nên cuối cùng Marina đã hỏi Nữ vương Elizabeth II cho phép mình dùng kính xưng 「"Princess"」 trước tên Thánh kèm tước hiệu. Bởi vì bản thân bà Marina là "Vương nữ" thuộc vương thất Hy Lạp - Đan Mạch, nên Nữ vương đã đồng ý. Thế là bà Marina được biết đến là 「Her Royal Highness Princess Marina, Duchess of Kent」.

Ở những chế độ theo Chính thống giáo phương Đông như Bulgary, Serbia cùng Đế quốc Nga, họ sử dụng ngữ tộc Slav và có kính xưng đặc thù là「Царевна; Tsarevna」, nghĩa rằng "Sa Hoàng chi nữ", chỉ chung tất cả những người con gái của những vị Vua xưng danh hiệu Tsar. Mà trong ngôn ngữ này, "Tsar" ứng với Hoàng đế hay Emperor, nên con gái Tsar cũng trở thành Hoàng nữ. Ngoài ra tương tự trường hợp của "Princess", danh xưng "Tsarevna" cũng có thể dùng cho vợ của một Tsarevich - tức con trai của Tsar, ứng với danh xưng Hoàng tử. Kể từ sau Đạo luật Pauline, con trai Tsar đổi thành 「Великий князь; Velikiy Kniaz」, được dịch qua tiếng Anh thành 「Grand Duke」 - một tôn tước thường được dịch ra thành "Đại Công tước", do đó các Hoàng nữ hay vợ của các Hoàng tử liền được gọi là 「великих княжон; Velikaia Kniaginia」 hay「Grand Duchess」. Tương tự với kính xưng này là 「Archduchess; Erzherzogin」 của nhà Habsburg. Và cũng như trường hợp của "Princess", các 「"Grand Duchess"」 cùng 「"Archduchess"」 đều có thể sử dụng cho vợ của một Hoàng tử Tông thân mang tước "Grand Duchess" hoặc Hoàng tử Tông thân mang tước "Archduke"[Chú 11], và điều đáng nói nhất chính là những vị vợ của Hoàng tử Tông thân này không có biện pháp để phân biệt so với Hoàng nữ, ngoài cái tên Thánh vốn có, trong trường hợp ở Nga thì tên của người vợ sẽ được thay đổi cho phù hợp với Chính đạo sau khi kết hôn. Ví dụ cho chuyện này có trường hợp của Princess Elisabeth xứ Hesse và Rhine, sau khi bà kết hôn với Grand Duke Sergei Alexandrovich của Nga thì được đổi tên thành Elizabeth Feodorovna và được gọi chính thức là 「Her Imperial Highness Grand Duchess Elizabeth Feodorovna of Russia」. Có thể thấy cách gọi này hoàn toàn tương tự với một Hoàng nữ như Grand Duchess Olga Nikolaevna, khác biệt ở chỗ tên Thánh mà thôi.

Phụ nữ văn hóa Châu Âu thời cổ xưa xem trọng hôn nhân, phần lớn đều có địa vị dựa vào địa vị của người chồng. Hiện tượng 「"Dòng dõi Vua chúa ưu việt hơn người chồng"」 xuất hiện trong văn hóa Nho Khổng lại không hiện hữu trong xã hội Châu Âu, đây căn bản là vì bản thân những người chồng đã tương đương hoặc hơn Hoàng nữ Vương nữ rồi, vì thế thân phận con gái Vua chúa của Hoàng nữ cùng Vương nữ không thể áp chế chồng của họ. Xã hội cận hiện đại càng về sau, quyền lợi hoàng gia cùng vương thất Châu Âu bị tác động rất nhiều, đến thời đại việc "Kết hôn không đăng đối" trở thành bình thường như Princess Margaret cưới Antony Armstrong-Jones, địa vị ưu việt của một Hoàng nữ Vương nữ chỉ còn ở trên hình thức. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Châu Âu và thế giới Nho Khổng chính là xem nữ giới cũng có vai trò mang dòng dõi, tức là không chỉ để sinh con mà các Hoàng nữ Vương nữ cũng truyền lại 「"Dòng máu Vua chúa"」 cho hậu duệ của mình, điều này khiến ở các quốc gia công nhận dòng nữ kế vị như nước Anh chấp nhận hậu duệ của Vương nữ kế vị, mà điển hình nhất chính là James I của Anh khi ông kế vị Elizabeth the Virgin với tư cách là hậu duệ của Margaret Tudor. Ở những quốc gia Châu Âu khác, hoặc vì áp dụng Đạo luật Salic, hoặc vì truyền thống vốn có mà không trực tiếp công nhận nữ giới kế vị ngai vị của dòng dõi, tuy nhiên lại chấp nhận chồng và con cái của họ.

Điều này khiến việc các nhà chồng cưới các Hoàng nữ và Vương nữ dòng chính để 「"Hợp pháp hóa"」 dòng dõi nhà chồng trong quyền kế vị rất phổ biến. Ví dụ điển hình có trường hợp của Francis I của Thánh chế La Mã lên ngôi Hoàng đế của Thánh chế La Mã khi cưới người cuối cùng của dòng chính nhà Habsburg là Archduchess Maria Theresia của Áo; Romanos III Argyros, Mikhael IV cùng Konstantinos IX Monomachos vì cưới Zoë Porphyrogenita mà có được ngai vị Hoàng đế của Đế chế Byzantine; Philip II của Tây Ban Nha cùng William III của Anh vì cưới Mary I cùng Mary II của Anh nên mới thành "Đồng trị vì" và có danh hiệu Quốc vương của nước Anh.

Trung Đông

Bức tranh "Thưởng trà" vẽ lối ăn mặc của phụ nữ cao tầng của Đế chế Ottoman.Tranh vẽ minh họa Hoàng đế Bahram V và một Hậu phi vốn là Vương nữ Ấn Độ.

Vùng đất Trung Đông chủ yếu bị ảnh hưởng hệ thống tước hiệu có gốc từ Ba Tư hoặc Ả Rập. Thời kỳ đầu, dưới sự ảnh hưởng của Đế chế Assyria cùng Văn minh cổ Babylon, ngoài những tước hiệu tương ứng Vương là Shah, thì còn có dạng Shahanshah hoặc šar kiššatim - khi dịch ra tiếng Anh là "King of Kings" và "King of the World", ứng với "Vương của các Vương" trong văn phong Đông Á. Về ý nghĩa thì dạng tước hiệu này chưa đạt đến Hoàng đế, nhưng lại cao hơn tước Vương hay thậm chí là Đại vương thông thường, cho nên con gái họ được dịch thành Hoàng nữ hoặc Vương nữ đều được. Điều này kéo dài đến khi bị Hồi giáo ảnh hưởng.

Cũng từ danh hiệu "Shah" của Vua chúa Ba Tư, họ còn tạo ra danh từ 「Šāhzādeh; شاهزاده‎」 - mang nghĩa chung là "Hậu duệ của các vị Shah" với 「-zada」 là thành tố mang nghĩa con trai hoặc nam duệ. Trong khi đó, các con gái có danh từ 「Shahdokht; شاهدخت」 - mang nghĩa chung là "Hậu duệ của các vị Shah" với 「-dokht」 là thành tố mang nghĩa con gái hoặc nữ duệ. Tuy nhiên, ở hai Đế chế lớn của thế giới Hồi giáo Ba Tư là Đế quốc Ottoman cùng Đế quốc Mughal lại thường không gọi chung chung một danh xưng cho Hoàng nữ mà lại chọn theo tên riêng kèm "hậu tố" đi sau để biểu đạt, như hoàng gia Ottoman gọi các Hoàng nữ cùng Nữ tôn theo tên riêng cùng hậu tố 「Hatun; خاتون」 cùng 「Sultan; سلطان」[Chú 12], thì hoàng gia Mughal lại gọi theo hậu tố 「Begum; بیگم」[Chú 13] cùng 「Nissa; نساء」[Chú 14]. Bên cạnh đó, hoàng gia Mughal trong một số trường hợp còn gọi chung Hoàng nữ với danh xưng 「Shahzadi」 - một biến âm của danh xưng "Shahdokht" nguyên bản từ Ba Tư. Theo đạo Sikh, người phụ nữ còn có hậu tố 「Kaur; ਕੌਰ」.

Trong văn hóa bản địa Ấn Độ được gọi là quần thể người Rajput, họ có bản ngữ xưng hô là 「Raajakumaaree; राजकुमारी」 để nói đến con gái các vị Raja, bởi vì tước vị "Raja" ứng với tước Vương nên các "Raajakumaaree" khi dịch ra văn phong Đông Á sẽ ứng với Vương nữ. Tuy nhiên cũng như Mughal, họ hay dùng hậu tố phổ biến là 「"Begum"」 để đặt cho các phụ nữ công nương nào có tính quyền quý nói chung. Một số vùng không dùng "Begum" mà thuần là tên dựa vào tên gốc hoặc đã biến hóa từ tên các nữ thần, như trường hợp Indira Devi của Baroda. Ngoài ra còn có 「Khanum; هانم‎‎」 của vùng Trung Á, hay 「Khatun; خاتون‎‎‎」 tức Khả đôn, đều thường được dùng như một hậu tố cho các Hoàng nữ hoặc Vương nữ. Tại các khối quốc gia Ả Rập từ xưa đến hiện đại, Hoàng nữ cùng Vương nữ có thể được dùng kính xưng 「Emira; أميرة」 hoặc 「Sheikha; شيخة」, những từ "nữ hóa" của các tước vị Emir và Sheikh vốn dành cho các Hoàng tử Vương tử của thế giới Ả Rập. Nhưng trong thực tế thì các Hoàng nữ Vương nữ của thế giới Ả Rập cũng chỉ được gọi thẳng trực tiếp theo tên riêng của mình, mà thành tố tạo nên cái tên của họ ngoài tên riêng thì còn có hậu tố 「-bint」 có nghĩa là 「"Con gái của..."」 kèm theo tên người cha. Lấy ví dụ vị Hoàng nữ của triều đại nhà AbbasidAbbasa bint al-Mahdi, trong đó 「Abbasa」 là tên riêng của bà, còn 「bint al-Mahdi」 thì bởi vì bà là con gái của Caliph Al-Mahdi nên được đặt theo như vậy. Ngoài ra nếu họ có biệt hiệu thì sẽ được biết đến qua biệt hiệu nhiều hơn, như Vương nữ Qatr al-Nada - vợ cả của Caliph Al-Mu'tadid, con gái của Khumarawayh ibn Ahmad ibn Tulun, thì 「Qatr al-Nada」 chỉ là biệt hiệu của bà có nghĩa "Hạt sương rơi", còn tên đầy đủ của bà lại là 「Asma bint Khumarawayh ibn Ahmad ibn Tulun; أسماء بنت خمارويه بن أحمد بن طولون」.

Cũng giống như thế giới Châu Âu, địa vị của các Hoàng nữ cùng Vương nữ tại khối Hồi giáo tại Trung Đông đều dựa vào người chồng, so với các Hoàng nữ cùng Vương nữ ở Châu Âu thì họ ít tiếng nói hơn. Đây một phần vì bản chất văn hóa, lại một phần vì những giáo lý của Hồi giáo nói riêng áp đặt lên phụ nữ. Có điều vì tính chất "Quân quyền" là nền tảng của bất kì xã hội quân chủ chuyên chế nào, việc vốn là 「"Dòng dõi Vua chúa"」 của các Hoàng nữ Vương nữ khiến các cuộc hôn nhân của họ thường vào diện tốt nhất. Tuy nhiên cũng vì lý do đó, chồng của họ không là thế lực đáng kể ở một phương, thì cũng là ở địa vị tương đương với cha và anh của họ, sự ưu việt của họ chỉ là ở việc họ là con gái của Vua chúa, tình trạng 「"Ưu việt hơn người chồng"」 như ở thế giới Nho Khổng cũng không xuất hiện tại khối văn hóa Trung Đông này. Hậu duệ của các Hoàng nữ Vương nữ về căn bản không kế thừa ngai vị, tuy nhiên ở xã hội biến động cùng quyết định ở thực lực như Trung Đông thì không có gì là cố định, rất nhiều nhà chồng của Hoàng nữ cùng Vương nữ hoàn toàn đủ thế lực áp chế hoàng quyền. Cũng vì tính chất "Quân quyền", nhiều vị Hoàng nữ cùng Vương nữ thông qua quan hệ với cha ruột hoặc anh em ruột mà có được vị trí lớn trong giới chính trị của quốc gia ấy, điển hình có con gái của Hoàng đế Ottoman Suleiman IMihrimah Sultan, hay con gái của Hoàng đế Mughal Shah JahanJahanara Begum, cả hai đều là con gái của những người Vợ cả rất được Vua cha yêu quý[Chú 15] nên có được sự ảnh hưởng trong thời đại của cha mình. Đáng chú ý nhất rằng Jahanara Begum còn là vị Hoàng nữ đầu tiên có được tước vị 「Padshah Begum; پادشاہ بیگم 」 - một địa vị ở hàng Quốc mẫu vốn chỉ dành cho một Hoàng hậu hoặc Hoàng thái hậu của Đế chế Mughal, và thông qua địa vị đó thì Jahanara Begum đã có được vị thế lớn nhất mà một Hoàng nữ Mughal từng có được, trở thành "Người phụ nữ quyền lực nhất Đế chế" hơn bất kỳ Hoàng hậu hay Hoàng mẫu nào khác của triều đại này. Còn như Mihrimah Sultan tuy chỉ là một Hoàng nữ, nhưng nối gót theo mẹ là Hurrem Sultan trở thành một trong những biểu tượng của thời kỳ nữ giới khống chế chính trị của Ottoman được gọi là 「"Sultanate of Women"」.

Tại lục địa Châu Phi, bỏ qua những vùng thuộc Hồi giáo như Ai Cập thời Mamluk cùng Sultan của Ai Cập, ghi chép cùng tư liệu của những quốc gia này tuy tương đối thiếu thốn, nhưng theo những gì còn lại qua thư tịch Ai Cập cổ đại mà các học giả nghiên cứu được, thì các Vương nữ có vai trò về 「"Duy trì dòng dõi Vua chúa"」 trong vương thất, thông qua việc họ thường kết hôn trong nội tộc.

Bia đá khắc hình Vương nữ Bintanath, con gái và sau là vợ cả của Pharaoh Ramesses II, hàng dưới chính giữa.

Đặc biệt ở thời kỳ Ai Cập cổ đại, không tính những Vương nữ chỉ tìm được mộ và một phần thân thế, thì những vị Vương nữ được ghi chép lại, tài Cổ đại đến tận triều đại Ptolemy, đều kết hôn với anh-em hoặc chú-bác trong vương thất để làm Vương hậu với danh xưng truyền thống là 「Great King's wife; hmt-niswt-wrt」, thậm chí trong trường hợp Ramesses II là kết hôn với chính cha ruột. Thời kỳ cổ đại, các Vương nữ thường có những huy hiệu như 「The King's daughter; s3t-niswt」 tức "Con gái đức Vua", hoặc thậm chí là 「The King's sister; snt-niswt」 tức "Em gái đức Vua". Trong các con gái của Ramesses II, thì Bintanath là con gái đầu tiên được đề cập trở thành vợ của ông với tư cách "Great King's wife", và khi đó bà vẫn giữ hai huy hiệu trên trong hàng dài danh hiệu của mình, trước mắt không rõ việc giữ đồng thời "Con gái đức Vua" cùng "Em gái đức Vua" của bà biểu thị điều gì, một số học giả Ai Cập học phát hiện có khả năng bà cũng là vợ của người anh em trai kế nhiệm là Merneptah, nên việc có danh hiệu "Em gái đức Vua" này rất có khả năng biểu thị địa vị ấy.

Nhiều vị Vương nữ như Henuttawy ngoại trừ mộ và hình khắc thì cũng không biết được vai trò trong vương thất. Căn cứ vào truyền thống thờ phụng của Ai Cập, cũng như chuyện con gái của Thutmose IIIMeritamen kế thừa danh hiệu cao quý nhất đương thời 「God's Wife of Amun; ḥm.t nṯr n ỉmn」 từ mẹ mình, các Vương nữ Ai Cập cổ đại có vai trò chủ yếu trong việc trở thành Tư tế thờ cúng trong điện thần của các vị nữ thần, đôi khi họ cũng được đề cập có vai trò nhất định trong triều đình như Meritaten. Ngoại trừ những Vương nữ trở thành "Great King's wife" cho các Pharaoh, thì hầu như không thấy trường hợp đề cập các vị Vương nữ kết hôn, có lẽ vương triều Ai Cập không chấp nhận kết hôn ngoại tộc. Triều đại Ptolemy vốn dĩ là người Hy Lạp, bên cạnh kết hôn gần như truyền thống ở Ai Cập, họ còn để các Vương nữ cưới các vị Vua có thế lực, như Cleopatra Selene của Syria cưới liên tiếp ba vị Vua "Antiochus" của Syria. Chính sách của triều đại Ptolemy thiên về kiểu "Gia đình trị" rất đặc thù, ngoại trừ các bà vợ vốn là chị em gái của các Pharaoh có quyền đồng trị vì cùng anh/em trai kiêm chồng của mình, thì các vị Vương nữ là con gái của các Pharaoh cũng có thể cùng cha mình trị vì, thậm chí là với người mẹ, như trường hợp Berenice IV của Ai Cập đồng trị vì cùng mẹ kế Cleopatra VI Tryphaena.

Hoàng gia Đế quốc Ethiopia xưng hiệu tương ứng "Hoàng đế", do đó con gái của họ được gọi là Hoàng nữ và cháu gái là Hoàng tôn nữ hoặc Hoàng nữ tôn. Trước thời kỳ Nữ hoàng Zewditu, hoàng gia Ethiopia sử dụng danh xưng 「Emebet Hoy; እመቤት ሆይ」 tức "Đại hoàng nương" cùng 「Emebet; እመቤት」 tức "Hoàng nương" để gọi chung tất cả thành viên nữ hệ trong hoàng thất, vì thế nữ giới Đế duệ cùng vợ của các Hoàng tử Tông thất đều sẽ san sẻ chung hai hạng này. Trong đó, danh xưng "Emebet" thông thường dành cho những người chưa lập gia đình, bao gồm Hoàng nữ tôn là cháu gái trực hệ của Hoàng đế, hoặc là Tông nữ con gái các Hoàng tử mang tước "Leul Ras" của hoàng thất (xem chi tiết về thứ bậc Leul Ras ở Hệ thống tước hiệu Ethiopia). Sau khi Nữ hoàng Zewditu lên ngôi, bà đã thiết đặt danh xưng 「Le'elt; ልዕልት」 cho các Hoàng nữ cùng Hoàng nữ tôn trực hệ theo nam duệ của Hoàng đế, tương đương kính xưng 「"Princess"」 của vương thất Anh.

Cũng như quan niệm ở nước Anh và Ai Cập, hoàng gia Ethiopia khi xét khả năng kế vị đều dựa vào cả hai phía 「"Nam hệ"」 hoặc 「"Nữ hệ"」, như cha của Nữ hoàng Zewditu là Hoàng đế Menelik II xưng là nam hệ để kế thừa Hoàng vị, còn Hoàng đế Haile Selassie lại là nữ hệ để tiếp nối Nữ hoàng Zewditu. Thông thường khi triều đại không có nam hệ, hoặc vì lý do tác động vũ lực không theo lẽ thường, thì nữ hệ mới là liệu pháp cuối cùng. Thời kỳ cổ đại ở Trung Đông, rất nhiều trường hợp vị Vua chúa kế nhiệm sẽ cưới con gái của các vị Vua tiền nhiệm để hợp pháp hóa sự kế vị của mình với tư cách con rể. Điều này tuy không có nghĩa phụ nữ biểu hiện quyền kế thừa, nhưng vì vai trò "Quân quyền" mạnh mẽ mà hành động này lại rất cần thiết, ít nhất vào thời điểm đó thì tính chính danh cần duy trì ở họ ngoại và "Quân quyền" của các Hoàng nữ Vương nữ lúc này có vai trò quan trọng. Vị Darius I của Đế quốc Achaemenid là một ví dụ điển hình cho việc này, khi ông đã lần lượt cưới các con gái của Hoàng đế tiền nhiệm là Cyrus Đại đế để ngai vị của ông không bị bàn cãi nữa. Tương tự như vậy, vương triều thứ 18 của Ai Cập có Horemheb tư vị trí Tướng quân mà lên ngôi làm Pharaoh, trong khi ông ta không có dòng dõi vương thất Ai Cập mà chỉ vì cưới được Vương nữ Mutnedjmet. Vương quốc người Hitti trong thời kỳ Tân vương quốc đã có trường hợp Quốc vương Arnuwanda I kế vị Tudhaliya I bởi vì ông ta cưới con gái của Tudhaliya I tên là Ašmu-nikal, tức kế vị với tư cách con rể. Và con trai của họ trở thành người trị vì tiếp theo, tức Tudhaliya III. Vì chế độ "Quân quyền", rất nhiều Hoàng nữ cùng Vương nữ ở triều đại Trung Đông có hiện tượng chia sẻ địa vị vốn dành cho Hoàng hậu hoặc Vương hậu của các vị Vua chúa, ví dụ như God's Wife of Amun của Ai Cập là dành cho các Vương hậu và người kế tiếp là Vương hậu của đời sau hoặc con gái của họ, hoặc như Padshah Begum của Đế chế Mughal dành cho Hoàng hậu nhưng sau lại có Hoàng nữ nắm giữ, địa vị Tawananna của người Hitti có thể chia sẻ cho con gái các vị Quốc vương. Đặc biệt thời kỳ Sasan còn có 「Banbishn; بانبشن」, đây dường như là một danh hiệu chung dành cho "Phụ nữ của triều đại", tức bao gồm con gái, chị em gái hoặc vợ của các vị Vua Sasan. Bên cạnh đó một số vị Vua Sasan có hiện tượng cưới chị em gái của mình làm vợ, nên sự rạch ròi của vị hiệu này càng mập mờ.

Đi theo xã hội "Quân quyền" đã bị Hồi giáo hóa, tuy các Hoàng nữ cùng Vương nữ ở thế giới Hồi giáo chỉ đơn thuần là có dòng dõi cao quý, thế nhưng đặc quyền tầng lớp dành cho con cháu của họ ở một mức nào đó vẫn còn rất mạnh. Ví dụ như con của một Hoàng nữ Ottoman còn được vinh dự gọi theo kiểu kính xưng là 「Sultanzade; سلطانزاده」 dành cho nam cùng 「Hanımsultan, خانم سلطان」 dành cho nữ, và tuy kiểu kính xưng này chỉ để vinh danh, nhưng đối với ở xã hội trọng dòng dõi như các quốc gia Trung Đông thì có tiếng "Hậu duệ của Vua chúa" dù chỉ là qua họ mẹ cũng đủ khiến họ có được chức vị cao, hoặc địa vị xã hội đảm bảo, điều này đối với nam là con đường quan chức, còn đối với nữ là các cuộc hôn nhân danh giá. Đồng thời các Hoàng nữ tôn dòng nam duệ cũng có thể đạt riêng vị hiệu "Sultan" cho mình và truyền đi thế hệ sau, như Hümaşah Sultan là con gái của Şehzade Mehmed, hoặc đôi khi Nữ tôn họ ngoại cũng có được vinh dự này như Ayşe Hümaşah Sultan là con gái của Mihrimah Sultan. Một số vùng lãnh thổ được cai trị bởi các Thân vương cát cứ thời kỳ British Raj được gọi là Nawab, phụ nữ xuất thân Vua chúa trị vì cũng bởi vì có được địa vị ưu việt của "Quân quyền", một phần nữa là do chính quyền Đế chế Anh thao túng, mà họ tuy là nữ giới nhưng cũng có thể kế vị bởi vì tình trạng thiếu nam duệ. Ví dụ này có xứ Bhopal với bốn người cai trị liên tiếp đều là nữ, Qudsia Begum, Sikandar Begum, Sultan Shah JehanKaikhusrau Jahan, ngoài ra ở lãnh địa Travancore còn có Sethu Lakshmi Bayi.

Đông Nam Á

Tại những quốc gia thuộc 「Vùng văn hóa Mã Lai」, vì phần lớn các vị Vua đều được dịch thành 「King」 trong tiếng Anh, nên họ sẽ ứng với "Quốc vương" trong hệ thống tước hiệu Đông Á, do đó các con gái của họ sẽ ứng với Vương nữ, đôi khi cũng có thể là "Công chúa" cho dễ hình dung.

Vương thất Thái Lan tuy cũng mang nét ảnh hưởng từ khối Đại Ấn Độ, nhưng có văn hóa bản địa mạnh. Quy định thân phận của Vương nữ tại vương thất Thái Lan về cơ bản dựa vào xuất thân của người mẹ, nhưng trên hết các con của Quốc vương - tính cả trai lẫn gái - đều được gọi là 「Luk Luang; ลูก หลวง」, mà cháu nội là 「Laan Luang; หลาน หลวง」. Luận về thân phận của người mẹ, các con của Quốc vương lại chia ra hai bậc: "Chao Fa" (เจ้าฟ้า) dành cho con của các bà Vợ (tức các Vương hậu cùng Vương phi của thứ bậc cao), và "Phra Ong Chao" (พระองค์เจ้า) là cho con của những Thiếp tỳ. Điểm đặc biệt là Vương tử cùng Vương nữ đều dùng chung một loại này, không có chia bằng giới tính, trừ tên riêng của từng người. Các con cháu Vương tôn cùng Nữ tôn của Quốc vương cũng hưởng theo hai bậc trên, còn có thêm bậc "Mom Chao" (หม่อมเจ้า) nếu Vương tôn cùng Nữ tôn có mẹ là thường dân không được công nhận. Ở Thái Lan, cũng như Miến Điện, có truyền thống lập Trữ quân với tư cách như "Phó vương" - tức Tiền cung chủ (Front Palace) hoặc Uparaja - vì thế Vương thất tại quốc gia này cũng quy định con cháu của Phó vương. Nhìn chung con cháu của Phó vương đều san sẻ ba đẳng như con cháu Quốc vương.

Chế độ tước hiệu cho thành viên vương thất Thái Lan sẽ lấy 「Krom; กรม」 làm cơ bản. Trong tiếng Thái, "Krom" có nghĩa là văn phòng, dinh thự, là cơ sở gồm người hầu và đất phong phục vụ riêng cho người giữ tước hiệu, tương đương với khái niệm 「Household」 của tiếng Anh cùng 「Phủ đệ」 của văn hóa Trung Hoa. Sau cuộc Cách mạng Xiêm 1932, chế độ quân chủ chuyên chế tại Thái Lan bị phá vỡ, "Krom" đã không còn thực quyền mà chỉ thuần túy là tước hiệu vinh dự. Thành tố tạo nên tước hiệu của thành viên vương thất là tiền tố 「Bandasak; บรรดาศักดิ์」 - có nghĩa "Tước vị", cùng 「Rachatinnanam; ราชทินนาม」 - có nghĩa là "Tên được đức Vua trao tặng". Trong đó, Bandasak là hệ thống 5 tước hiệu tạm gọi là [Ngũ đẳng vị giai] luôn đi trước phong hiệu, còn Rachatinnanam là phong hiệu do Quốc vương ban cho, thường là hậu tố sau cùng trong chuỗi tên hiệu chính thức của người ấy. Danh sách 5 bậc tước hiệu Bandasak, gồm:

  • Somdej Krom Phraya (สมเด็จกรมพระยา) hoặc Somdet Phra (สมเด็จพระ);
  • Krom Phra (กรมพระ);
  • Kromma Luang (กรมหลวง);
  • Kromma Khun (กรมขุน);
  • Kromma Muen (กรมหมื่น);

Trong đó, các "Chao Fa" bắt đầu từ 「Kromma Khun」, các "Phra Ong Chao" bắt đầu từ 「Kromma Muen」. Còn bậc 「Somdej Krom Phraya」 thường là cho các Vương mẫu Thái hậu, Vương mẫu Thái phi hoặc Phó vương. Sau thời Chulalongkorn, các Rachatinnanam luôn là tên của một địa danh hoặc thành phố, bao gồm "nguyên bản" hoặc đã được "biến thể" từ tên gốc, do vậy trong tiếng Anh thì các Vương nữ hay được ghi bằng phương thức 「"Princess" + tên thành phố」. Hiện tại, Công chúa Sirindhorn được em trai là Rama X ban địa vị 「Sayamborom Rajakumari; สยามบรมราชกุมารี」 - tương ứng với Princess Royal hay Trưởng công chúa, trong đó 「Debaratanarajasuda」 là phong hiệu bậc Rachatinnanam, cùng 「Chao Fa Maha Chakri Sirindhorn」 là tên riêng danh dự bà có được.

Quan điểm về thân phận của Thái Lan khá tương đồng với Nhật Bản, khi cho rằng Vương nữ hoặc Nữ tôn cưới thường dân đồng nghĩa mất thân phận. Thông thường, các vị Vương nữ sẽ kết hôn với nhánh gần của vương thất hoặc dòng dõi có khả năng trị vì tiếp theo của vương thất, và do thân phận đó các Vương nữ cùng Nữ tôn của vương thất đều có cơ hội trở thành "Vương hậu" hoặc "Vương phi" đời kế tiếp, như hai vị Cố Thái hậu là Saovabha Phongsri cùng Sirikit, cả hai lần lượt là con gái Tiên vương Rama IV cùng Thân vương xứ Chanthaburi là Nakkhatra Mangala. Căn cứ theo điều luận 「"Royal Marriages Act, B. E. 2475"」 được công bố về hôn nhân của triều đình Thái Lan, một Vương nữ khi cưới bình dân sẽ bị sửa thân phận như sau:

  • Tất cả các Chao Fa:
    • Tunkramom Ying, nếu là con gái của Quốc vương với Vương hậu.
    • Somdet Ying, nếu là con gái của Quốc vương với Vương phi.
  • Tất cả các Phra Ong Chao:
    • Sadet Phra Ong Ying, nếu là con gái của Quốc vương với Tỳ thiếp.
    • Phra Ong Ying, nếu là cháu gái của Quốc vương, với người cha là Vương tử con của Vương hậu hoặc Vương phi.
    • Than Phra Ong Ying, nếu là con gái một Vương tử Tông thân vừa từ bậc [Mom Chao] lên bậc [Phra Ong Chao].
  • Tất cả các bậc Mom Chao: đều sửa thành Than Ying, chủ yếu là con gái của Vương tử có mẹ là Tỳ thiếp, hoặc cháu chắt cùng cháu cố của Quốc vương.

Trường hợp nổi tiếng bị giáng vị chính là Ubol Ratana, con gái lớn nhất của Tiên vương Rama IX và Thái hậu Sirikit, khi bà cưới một công dân Mỹ. Trước khi bị giáng vị, bà được biết đến là 「Somdet Phra Chao Luk Thoe Chao Fa Ubolratana Rajakanya」. Ngược lại, Công chúa Chulabhorn được sự cho phép của cha mình giữ được địa vị "Chao Fa" dù cưới một thường dân Thái Lan.

Tại nền văn hóa Miến Điện cũ, địa vị của Vương nữ căn bản dựa vào người mẹ (xem địa vị trong bài đề cập về Vương tử). Khác với sự phân biệt tỉ mỉ giữa các vị Vương tử, sự phân biệt giữa Vương nữ Miến Điện lại đơn giản hơn nhiều, chỉ có 3 cấp bậc:

  • Hteik Suhpaya (ထိပ်စုဖုရား): dành cho con gái của bậc Vương hậu.
  • Hteik Hkaungtin (ထိပ်ခေါင်တင်): dành cho con gái chưa kết hôn của các bà Thứ hậu cùng Phi tần.
  • Hteik Hta Mibaya (ထိပ်ထား မိဖုရား): dành cho con gái đã kết hôn của các bà Thứ hậu cùng Phi tần.
Chân dung Salin Supaya - một "Supaya" và sau là "Tabindaing Minthami" thời kỳ Mindon Min của Miến Điện.

Có thể thấy qua ví dụ điển hình của hai quốc gia điển hình của vùng Đông Nam Á, thì một quan điểm rất phổ biến tồn tại trong các vương triều này:「Vương nữ - con gái Vua chúa - có trách nhiệm duy trì thân phận Vua chúa qua hậu duệ của mình」. Điều này có thể thấy ở việc họ tuy không trực tiếp kế vị[Chú 16] mà thông thường được liên tục cưới trong nội tộc. Cho nên ở những vị trí "Chính hậu" hoặc các "Vương phi" trong hậu cung thì không thiếu những Vương nữ hay là Nữ tôn có tiên tổ là các Quốc vương đời trước. Cũng giống như Thái Lan, các Vương nữ Miến Điện từ trước triều đại nhà Toungoo đến về sau là nhà Konbaung, đều có liên hệ chặt chẽ dòng máu trong nội tộc khi thường gả cho anh em trong Tông thất vương triều, cho nên họ thường là Vương phi cùng Vương hậu của các Tiểu quốc chư hầu Miến Điện, hay thậm chí là Vương hậu cho vị Quốc vương kế nhiệm ngai vàng Miến Điện. Vào thời điểm không phải "Vương phi" cùng "Vương hậu" thì họ cũng được gả cho những quý tộc thế lực lớn, hoặc ở tại trong Vương quốc mà có được thái ấp của mình tại các thành trì riêng biệt. Những vị Vương nữ được cha mình yêu thích thậm chí trở thành cố vấn cho cha mình trong việc trị vì và phục vụ trong triều đình. Và khi ở địa vị cao quý nhất thì họ sẽ có được tước hiệu 「Supaya」 chỉ dành cho con gái của những bà Vương hậu đạt được vị trí Chính hậu hoặc những Vương hậu có dòng dõi vương thất nhiều đời, tuy nhiên có rất nhiều ngoại lệ bởi vì Quốc vương hoàn toàn có quyền quyết định Vương nữ nào được nhận.

Truyền thống Miến Điện có một tục lệ khá đặc sắc, khi các Quốc vương của mỗi triều đại sẽ chỉ định một Vương nữ có mẹ là Quốc hậu để đảm nhiệm vị trí Tabindaing Minthami (တစ်ပင်တိုင် မင်းသမီး) hay Einshe Hteik Hta Mibaya (အိမ်ရှေ့ထိပ်ထား မိဖုရား). Theo định nghĩa Đông Á, vị trí này tương đương Thái tử phi cùng Thế tử tần, vì mang nghĩa "Vợ của Trữ quân", thế nhưng nếu dịch ra một cách chính xác về bản chất của địa vị này thì nó lại mang nghĩa 「"Người Vương hậu tương lai"」, bởi vì họ được chọn sẵn bởi chính Quốc vương đương nhiệm và bất kể ai là vị Tân vương tiếp theo thì họ sẽ trở thành Quốc hậu cao quý nhất của người đó. Một ví dụ cho chuyện này là Salin Supaya, con gái Quốc vương Mindon Min, bà trở thành "Tabindaing Minthami" trong triều đại của cha mình đến khi vị Tân vương là Thibaw Min cưới hai người chị của bà thay vì bà.

Ở các quốc gia khác ngoài Thái Lan và Miến Điện như khối Mã Lai (Indonesia, Malaysia, Brunei cùng phía Nam Philipine), về cơ bản đều dùng tước hiệu Hồi giáo cùng Ấn Độ trộn lẫn, ngoại trừ Trữ quân sẽ kế vị thì những Vương tử khác đều có hiện tượng sử dụng chung danh xưng. Đặc biệt tại Malaysia còn phải có danh xưng phân biệt dùng cho Liên bang hoặc cho Bổn quốc, bởi vì hình thái Malaysia hiện tại là liên bang các Vương quốc Hồi giáo hợp thành. Nhìn chung tôn hiệu thành viên Vương thất ở Malaysia không phân nam nữ, với 「"Tengku"」 hay 「"Tunku"」 tương ứng "Princess" của ngôn ngữ Châu Âu. Cá biệt có xứ Perak sử dụng 「"Raja"」. Đối với Vương thất Brunei, tất cả thành viên Vương thất không kể nam nữ, nếu đã kết hôn thì đều có tiền tố trước tên mình là 「"Pengiran"; பெங்கிரன்」- có ý nghĩa tương tự "Tengku" khi ám chỉ địa vị dòng dõi Vương thất, với "Pengiran Anak Puteri" dành cho Vương nữ, cùng "Pengiran Anak" dành cho cháu nội cả trai lẫn gái của các vị Sultan.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoàng nữ http://www.atlaswalisongo.com/2015/06/sunan-ampel-... http://www.chiangmai-chiangrai.com/ayutthaya19.htm... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://sillok.history.go.kr/id/kda_10402016_003 http://sillok.history.go.kr/id/kda_10610007_003 http://sillok.history.go.kr/id/kda_11009024_005 http://sillok.history.go.kr/id/kea_10202028_003 https://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_1330842 https://books.google.com/books?id=a5YntZEIUHMC&q=p...